Các giới chức Trung Quốc ở Bắc Kinh đang cảnh báo Việt Nam và Philippines chớ nên mở các cuộc tuần tra quân sự hay diễn tập chung trong vùng biển Ðông đang có tranh chấp. Từ Bắc Kinh, thông tín viên VOA Shannon Van Sant gửi về bài tường thuật sau đây
Các giới chức quân sự Việt Nam và Philippines đã thảo luận về việc tiến hành các cuộc thao diễn chung trong vùng có tranh chấp tại các buổi họp hồi đầu tháng này. Các cuộc thao diễn có thể bao gồm những cuộc tuần tra chung ở quần đảo Hoàng Sa mà cả hai nước vừa kể và Trung Quốc để nhận chủ quyền.
Tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cảnh báo chớ nên mở các cuộc thao diễn trong vùng đảo Hoàng Sa, mà Trung Quốc gọi là Nam Sa.
Ông Hồng nói Trung Quốc có chủ quyền không tranh cãi được ở quần đảo Nam Sa và vùng biển lân cận. Trung Quốc chống đối việc các nước ngoài vi phạm chủ quyền và quyền lợi của Trung Quốc.
Đã có một loạt các vụ vi phạm có liên quan đến các ngư dân, các đội tuần tra quân đội và các loại tầu bè khác trong vùng có tranh chấp trong những tháng vừa qua, gây căng thẳng thêm trong việc tranh nhau đòi chủ quyền.
Philippines và Việt Nam đã thảo luận việc thiết lập một đường dây nóng để thông tin liên lạc trong trường hợp tranh chấp cũng như chia sẻ kinh nghiệm đóng tầu.
Một giáo sư thỉnh giảng tại trường Đại học Quốc gia Singapore, ông Hoàng Tĩnh, một chuyên gia phân tích về chính sách đối ngoại của Trung Quốc, nói rằng có nhiều phần chắc Bắc Kinh sẽ không nhượng bộ trong việc đòi chủ quyền vùng biển giầu tài nguyên này.
Ông Hoàng nói: "Trung Quốc ngày càng mạnh hơn, sự trỗi dậy được gọi là hòa bình, và tinh thần dân tộc trỗi dậy ở Trung Quốc, một mặt, cùng với nhu cầu ngày càng tăng về thị trường và tài nguyên từ bên ngoài, cho nên bỗng dưng vụ tranh chấp lãnh hải trong vùng biển Nam Trung Hoa đã trở thành một thứ ưu tiên trong cuộc thảo luận về chính sách và tranh luận trong nước."
Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan đều nhận chủ quyền trong các vùng ở biển Nam Trung Hoa. Trung Quốc đòi phần lãnh hải lớn nhất.
Các vụ đòi chủ quyền khác nhau dự trù sẽ nằm trong nghị trình thảo luận trong chuyến thăm Campuchia của chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào. Campuchia đang giữ chức chủ tịch của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á vời 10 thành viên, và các giới chức Philippines nói họ lấy làm bất mãn trước các nỗ lực của Trung Quốc ngăn chặn việc thảo luận vùng Biển Nam Trung Quốc trong tổ chức này.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói trọng điểm chuyến thăm của ông Hồ Cẩm Đào sẽ là việc tăng cường quan hệ của Trung Quốc với Campuchia, nơi đầu tư của Trung Quốc đã tăng nhanh trong mấy năm vừa qua.
Người phát ngôn này nói Trung Quốc hy vọng qua chuyến thăm này, bang giao hữu nghị giữa Trung Quốc và Campuchia sẽ được đẩy mạnh, hợp tác thực tiễn sẽ được chặt chẽ hơn và các cuộc trao đổi giữa nhân dân hai nước sẽ được tăng cường, và hai bên cũng hy vọng sẽ chứng kiến sự phối hợp lớn hơn trong các vấn đề quốc tế và khu vực.
Trung Quốc nói việc nhận chủ quyền lãnh hải trong vùng biển Nam Trung Hoa xuất phát từ lịch sử 2.000 năm, khi quần đảo Trường Sa còn là một phần quan trọng của Trung Quốc. Việt Nam thì nói mãi đến thập niên 1940 Trung Quốc mới nhận chủ quyền.
Vùng biển đang tranh chấp giàu trữ lượng dầu và khí đốt thiên nhiên và là một trong các tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất ở châu Á.
http://xuongduong.blogspot.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét